Đảm bảo công tác y tế để phòng chống dịch bệnh
Từ tháng 5/2025 đến nay, đã xuất hiện nhiều đợt mưa lớn gây ra ngập lụt cục bộ, sạt lở đất ở một số địa phương và dự báo trong thời gian tới sẽ có các cơn bão và nhiều đợt mưa lớn xảy ra. Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội để hướng dẫn về việc phòng chống dịch bệnh trong và sau lụt bão, mưa lũ.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 và dịch bệnh mùa mưa bão cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè và mùa bão, lụt. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến của bão lũ để có các phương án phòng, chống; không để bị động, bất ngờ, không để gián đoạn công tác y tế trong ứng phó với thiên tai và phòng chống dịch bệnh trong và sau lụt bão, mưa lũ; đặc biệt trong thời gian chuyển tiếp khi thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Sở Y tế giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội – cơ quan thường trực phòng chống dịch bệnh thực hiện kiểm tra giám, sát công tác chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt; công tác thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu vực nguy cơ ngập úng trước, trong bão lũ và sau khi nước rút.
Hỗ trợ chuyên môn trong công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập lụt tại các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt. Song song với đó là phối hợp với y tế cơ sở, các bệnh viện để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trước, trong và sau mưa lũ, ngập úng để phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng về biện pháp phòng, chống dịch bệnh trước, trong lụt bão, mưa lũ.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát y tế cơ sở triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong mùa mưa lũ, ngập lụt (đặc biệt tại địa phương thường xuyên bị mưu lũ, ngập lụt hàng năm), đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh bệnh thiết yếu cho người dân, không để bị động, bất ngờ.
Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa lũ gây ra và triển khai các biện pháp đảm bảo y tế phòng chống dịch bệnh cũng như đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho người dân.
Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh
Cùng với việc đảm bảo công tác chuyên môn về y tế để phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, ngành y tế Hà Nội còn đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân bằng nhiều hình thức đa dạng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trước, trong lụt bão, mưa lũ.
- Đó là người dân đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Đối với khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt, có phương án đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn; khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như lương khô, mỳ gói, nước uống đóng chai.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
- Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý xác động vật, gia cầm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi.
- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ, ngập lụt như phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A); phòng, chống bệnh đường hô hấp (cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp); phòng chống bệnh đau mắt đỏ; phòng, chống bệnh ngoài da (nấm chân, tay và một số bệnh nhiễm khuẩn ngoài da); phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Hạnh Ngân