Người dân cảnh giác đề phòng muỗi đốt phòng chống sốt xuất huyết
Ngày xuất bản: 07/11/2019

Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu tháng 10 đến nay có sự gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), trung bình mỗi ngày khoảng 30 bệnh nhân nhập viện.

Tại khoa Vi rút - Ký sinh trùng hiện đang điều trị và theo dõi cho nhiều bệnh nhân mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo. Có gia đình 2 người, 5 người đều mắc SXH phải nhập viện. Những trường hợp mắc SXH mức độ nặng sẽ được chuyển đến khoa Cấp cứu của bệnh viện để tiếp tục điều trị.
 
TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, năm nay đợt dịch SXH bắt đầu từ khoảng tháng 7,8. Từ vài tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cao hơn năm ngoái, tuy chưa bằng vụ dịch năm 2017 nhưng cũng là điều đáng báo động. Hiện, mỗi ngày cơ sở Giải Phóng tiếp nhận khoảng 20-25 bệnh nhân. Bệnh SXH lây qua đường muỗi đốt do đó ngoài các biện pháp vệ sinh môi trường, người dân cần chú ý đề phòng muỗi đốt.
 
Theo TS Thư, các bệnh nhân SXH có nhiều mức độ khác nhau: bệnh nhân không có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo và bệnh nhân SXH nặng. Với trường hợp bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện điều trị và theo dõi. Các bệnh nhân nằm tại Khoa Vi rút - Ký sinh trùng thường có dấu hiệu cảnh báo từ ngày thứ 4, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt nên người bệnh thường chủ quan nghĩ là đã khỏi bệnh. Do đó, nhân viên y tế luôn phải theo dõi sát sao bệnh nhân hàng ngày, tiến hành xét nghiệm công thức máu cũng như theo dõi tình trạng bệnh nhân để xử lý kịp thời nếu người bệnh có diễn biến nặng lên.
 
TS.BS Nguyễn Kim Thư cho biết nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa ngay người bệnh tới bệnh viện gần nhất. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường cũng nên đến bệnh viện để được xử trí có hiệu quả hơn. Tỉ lệ biến chứng nặng của SXH là khá nhỏ. Đa phần bệnh SXH được bác sĩ hướng dẫn điều trị và theo dõi tại nhà, chỉ nhập viện khi có các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Vì thế, người bệnh không nên quá hoang mang, lo lắng.
 
Bệnh SXH lây truyền qua đường muỗi đốt, trong khi Việt Nam lại nằm trong vùng dịch tễ của SXH chính vì vậy gần như năm nào nước ta cũng có dịch SXH. Đặc biệt ở miền Nam do khí hậu nóng ẩm nên bệnh thường diễn ra quanh năm, còn ở miền Bắc chủ yếu là từ tháng 6, tháng 7 đến tháng 11. Mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

D.T (Nguồn Sở Y tế HN)

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0949396115                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin