Tăng cường tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các xã bị ngập úng của huyện Quốc Oai
Theo đó, trên địa bàn huyện Quốc Oai có 5 xã bị ngập úng do cơn bão số 3 gây ra bao gồm xã Cấn Hữu, xã Phú Cát, xã Liệp Tuyết, xã Tuyết Nghĩa và xã Ngọc Liệp, trong đó xã Cấn Hữu và xã Phú Cát có số hộ bị ngập nhiều nhất. Tuy nhiên cho đến hết ngày 5/8, toàn huyện chỉ còn hơn 20 hộ ngập úng.
Ngay sau khi nước rút, TTYT huyện Quốc Oai phối hợp với đội cơ động phòng chống dịch cơ động của TTYT Dự phòng Hà Nội triển khai tổng vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đấy nhằm đảm bảo không để dịch bệnh xuất hiện. TTYT huyện đã cấp hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch cho các xã và chỉ đạo các trạm y tế xã tham mưu cho UBND xã mua vôi bột để xử lý khử trùng các khu vực bị ngập úng. Bên cạnh đó, UBND các xã cũng đã huy động nhân dân trên địa bàn tham gia vệ sinh môi trường, vớt các loại rác thải khi trôi dạt vào bờ, thu gom, tập kết và xử lý.
TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.
TTYT huyện Quốc Oai cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền trực tiếp tới các hộ gia đình và trên hệ thống loa phát thanh các xã, thị trấn về các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong khi ngập và sau khi nước rút. Hàng ngày, trung tâm đã cử cán bộ xuống từng hộ gia đình để nắm bắt tình hình nước rút và đôn đốc, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, TTYT huyện thành lập 2 đoàn khám để khám, phát hiện sớm bệnh cho nhân dân tại các xã ngập úng. TTYT và các trạm y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp khi mưa bão, úng ngập; cấp thuốc phòng và điều trị các bệnh về mắt và thuốc điều trị nước ăn chân cho các hộ gia đình bị ngập. Tổ chức thường trực đội cấp cứu lưu động tại TTYT và tại các trạm y tế xã 24/24 giờ. Các xã, thị trấn đã duy trì thực hiện công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế ổn định.
Nước rút đến đâu công tác vệ sinh môi trường được triển khai ngay đến đó.
Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện còn khoảng 20 hộ ngập tại xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu. UBND huyện đã chỉ đạo TTYT, phòng y tế huyện phối hợp với các xã, thị trấn xử lý về môi trường, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đấy. Đồng thời, chú trọng việc khám, điều trị bệnh cho người dân. Chính nhờ sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị của huyện, các xã, thị trấn và nhân dân nên công tác vệ sinh môi trường tại các xã bị ngập úng được xử lý rất tốt. Đến thời điểm này, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện, không có thiệt hại về người. Ngay sau đây, huyện sẽ tập trung ổn định cuộc sống cho người dân, khắc phục hậu quả sau mưa bão, thống kê những thiệt hại do mưa bão gây ra và đưa ra các biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo cho người dân trở lại sinh hoạt, lao động bình thường”.
Các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Mắt Hà Đông, Da Liễu Hà Nội và Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, TTYT huyện chủ động công tác khám, điều trị cho người dân.
Sau khi kiểm tra thực tế tại xã Cấn Hữu, nơi vẫn còn một số hộ gia đình bị ngập úng, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể và nhân dân trên địa bàn huyện, sau 14 ngày chịu ảnh hưởng của ngập úng, hiện nay, sức khỏe của người dân trên địa bàn được đảm bảo, huyện đã kiểm soát, không để dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số hộ bị ngập úng, vì vậy, TS Nguyễn Khắc Hiền đề nghị TTYT huyện chỉ đạo các trạm y tế cần tập trung hướng dẫn các hộ gia đình tổng vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh về da, mắt; hướng dẫn và tăng cường tuyên truyền cho các hộ gia đình tiếp tục quản lý trẻ nhỏ và phòng tránh đuối nước cho trẻ.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục huy động lực lượng, tăng cường sự tham gia của các lực lượng như các cấp hội, sinh viên, học sinh… trên địa bàn tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, khơi thông hệ thống cống rãnh, các công trình vệ sinh ngoài trời… TTYT huyện cử cán bộ xuống các hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình chăn nuôi xử lý chuồng trại, các công trình vệ sinh ngoài trời như hố xí thùng… Đồng thời, TTYT huyện tiếp tục giám sát chặt chẽ, không để xảy ra dịch bệnh như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… TS Nguyễn Khắc Hiền cũng yêu cầu TTYT Dự phòng Hà Nội phun mù nóng tổng vệ sinh cả trong nhà, sân vườn và môi trường xung quanh các hộ bị ngập úng. Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da Liễu Hà Nội, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, TTYT huyện tiếp tục chủ động công tác khám chữa bệnh, xuống tận hộ dân thăm khám, đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện tiếp tục trở lại sinh hoạt và lao động.
Cán bộ y tế khám da liễu tại hộ gia đình cho người dân xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu.
Mai Trang